Tin tức

Những quán ăn "đanh đá" nhất đất Hà Thành


11:35 CH - 16/11/2011
Chẳng hiểu sao mấy năm trở lại đây, ở Hà Nội lại xuất hiện những món ẩm thực với cái tên rất lạ: “phở xếp hàng”, “bún lưỡi chửi ”, “cháo quát ”, “cơm quạ” hay “ốc lắm mồm”... Thực ra những món ăn trên chẳng có gì là “phát kiến” mới vì cũng chỉ là cơm, cháo, phở, ốc...bình thường. Nhưng “ngon” hơn rất nhiều quán khác vì được gia giảm thêm nhiều “gia vị” đặc biệt như “xếp hàng”, “chửi”, “quát”, “cáu”...cùng với hàng trăm khách hàng tự nguyện làm nhân viên maketing không lương.

Phương tiện nhanh nhất là truyền mồm: “Quán đó ngon lắm, mà đến ăn sớm không là phải xếp hàng đấy”, “bà ấy chửi kinh đến đâu, hôm nào mấy chục anh em trên diễn đàn kéo đến ăn rồi đánh hội đồng nhé”, “lắm mồm hả, đến ăn xem mồm nó thế nào”...Cứ thế, một nói mười, mười đồn trăm, người người đổ đi ăn.

 

 1. Phở xếp hàng Bát Đàn

 

“Phở xếp hàng” tọa lạc ở 49 phố Bát Đàn, trước kia có cái tên gốc là Phở bò gia truyền Hà Nội chuyên bán các loại phở tái, chín, nạm, ngầu chính gốc đất Hà Thành từ bánh phở tới chiếc bát “ôtô” dùng để đựng.

 

 

Vừa xếp hàng chờ ăn phở, thực khách còn tranh thủ đọc báo.

 

Hơn nửa thế kỷ tồn tại từ thuở Hà Nội mới có vài trăm nghìn người lên tới cả chục triệu người như hiện nay mà diện tích quán vẫn vòn vẹn 30 m2. Quán ngon, ắt phải đông, ngày xưa, để tạo sự công bằng, chủ quán kêu mọi người xếp hàng chờ tới lượt.

 

 

 Vị khách này không tìm được chỗ đành vừa đứng vừa ăn và
vừa... ngóng chỗ ngồi.

 

 

Khách du lịch từ phương Tây cũng rất "khoái" món phở này

 

 

Nước dùng của quán có hương vị ngọt rất tự nhiên, thanh mát.

Ảnh: Ngọc Thắng

 

Ngày nay, quán lại càng đông hơn cho dù đã lấn thêm tới ba cái bàn ra vỉa hè, hai hàng xe máy tràn xuống lòng đường thì mỗi buổi sáng, tối vẫn có hàng chục người nối đuôi nhau tạo này hai cái “vòi rồng” chờ ăn phở.

 

Được ăn được nói: «Lần đầu tiên, khi ra Hà Nội công tác, được chị bạn đồng nghiệp dẫn tới quán phở. Tôi đã lắc đầu ngao ngán kêu: "sao ngoài này mọi người ăn uống khổ như thời bao cấp vậy". Chị bạn tôi chỉ cười và nói: "đây là một điều thú vị của Hà Nội đó".

  

Tôi chỉ bị thuyết phục khi thưởng thức tô phở bò. Tôi đã phải thốt lên: trời sao nhiều thịt bò dữ vậy, miếng nào miếng đó mềm, ngọt. Và nước dùng thì tuyệt vời, tôi đã... húp tới giọt cuối cùng luôn»

Nguyễn Thanh Tâm (Q1, TP.HCM)

Lạ một điều ai cũng rất “ngoan ngoãn” và vui vẻ xếp hàng chờ tới lượt, xong lại kiên nhẫn tìm chỗ ngồi để ăn. Có người nhìn thấy sự trật tự thở dài so sánh nếu ai cũng có ý thức tham gia giao thông như đi ăn phở xếp hàng này thì chắc chẳng có cảnh tắc đường ở Hà Nội.

 

Nghe cũng có vẻ hợp lý, “bác” nào lộn xộn chen ngang, đừng hòng chủ quán bán phở cho. Dân ‘ma xó” Hà Thành còn chỉ cho “bí kíp” vừa được ăn phở ngon lại được ngồi thoải mái bằng cách chạy sang quán cà phê đối diện rồi nhờ nhân viên phục vụ bên đó gọi phở về rồi “bo” cho vài ba nghìn đồng Thế là cả quán cà phê, cả quán phở, cả thực khách đều có lợi.

 

2. Bún chửi Ngô Sĩ Liên

Nhưng xem chừng, “phở xếp hàng” vẫn văn minh, lịch sự so với món “bún lưỡi chửi” ở ngõ chợ Ngô Sĩ Liên gần ga Trần Quý Cáp (Hà Nội). Quán này bán món bún lưỡi lợn được luộc khéo nên giữ được sự giòn nhưng vẫn mềm và thơm. Không chỉ được ăn bún lưỡi lợn, thực khách còn được “ăn” thêm miễn phí...lưỡi bà chủ quán qua những bài chửi đủ “chua, cay, mặn, ngọt”.

 

 

Không phải lúc nào bà chủ quán cũng...chửi. Nguồn ảnh: báo CAND

 

Tại sao bà ấy lại chửi khách hàng ghê thế? Có rất nhiều giai thoại về nguồn gốc câu chửi của bà. Nào là tại bà ấy khổ quá, chồng đánh mắng, con nghiện ngập nên bức bách, nào là khách đông quá, người lại béo nên bực bội, nào là chửi càng nhiều thì khách càng nhớ, có người bảo bà mắc bệnh chửi đổng như Chí Phèo xa xưa...

 

«Tôi cũng đã một lần tò mò tới đây để ăn thử món bún chửi. Quả thật cũng khá ngon. Vừa ăn, vừa hồi hộp xem bà chủ có chửi không.

 

Nhưng ăn hết bát bún mà bà ấy vẫn bình thường. Thi thoảng còn cười rất tươi. Lúc ra về mới biết hôm qua bà ấy... trúng xổ số lô tô nên hôm nay dễ tính »

Phạm Thanh Hằng (ngõ 100, Tây Sơn, Hà Nội

Cũng do khâu maketing của những vị khách quá tốt, thành ra tiếng chửi khách của bà vang khắp gần xa. Khách tò mò muốn biết quán bà ngon tới đâu nên đến, khách ghê gớm thì bảo đến ăn mà bị chửi sẽ...chửi lại.

 

Nhưng sự thật tin đồn nhiều khi hơi bị phóng đại vì nhiều khách tới ăn xong về lại ngẩn ngơ vì chẳng thấy bà ấy chửi cái gì. Có khách đến thấy bà và một vị khách khác đang đôi co ầm ĩ nên hét thật to, quán im phăng phắc rồi cả chủ, cả khách bật cười.

 

3. Cháo quát Lý Quốc Sư

Hàng cháo “quát” ở 15 Lý Quốc Sư cũ (nay có 2 địa chỉ mới ở số 7 Nhà Thờ và số 47A Lý Quốc Sư) là của một bà chủ tên Mỹ chuyên bán món cháo gà ta. Ngày trước, quán còn có tên cháo gà vỉa hè. Tuy là cháo gà-món ăn xa xỉ thời bao cấp nhưng lại bán ở vỉa hè.

  

 

Nguồn ảnh: Món ngon Hà Nội

 

Gà để nấu cháo là gà ta đã đẻ một hai lần nên thịt chắc, thơm, xương ngọt nước. Gạo cũng được bà chọn kỹ lưỡng từ lúa mùa mới, thêm ít lúa nếp cho sánh.

 

«Tôi rất hay tới quán cháo này ăn vào buổi tối vì nhà gần đó. Cô chủ quán này rất mê phim Hàn Quốc.

 

Muốn cô ấy dễ tính, cứ tán phim Hàn Quốc với cô ấy, đảm bảo bạn sẽ được...tặng thêm thịt gà»

 

Thu Quỳnh (Số 3, Hàng Bông, HN)

 

Đặc biệt bà có bí quyết ngâm gạo và nấu lửa sao cho gạo mềm như nhưng không bị bột như gạo xay. Thơm ngon, tên bà cũng rất hay vậy mà khách lại chỉ nhớ tới tên cháo bà “quát”. Bà không quát khách mà quát con, quát nhân viên. Con bà sau lên làm chủ thì lại quay ra... quát khách nào là vào ăn cháo thịt gà lại kêu xuất không thịt, nào là ăn có bát bé mà đưa cả nhà đi...

 

Khách lần đầu thì hơi khó chịu, những lần sau nếu chẳng may bị nói cũng bỏ qua vì biết tính cô chủ quán hơi hâm hấp nên không thèm chấp.

 

 

4. Ốc lắm mồm Nam Đồng

 

Hàng ốc này nằm ngay gần cây xăng Nam Đồng, đoạn đầu đường Hồ Đắc Di giao với phố Nguyễn Lương Bằng. Quán bắt đầu mở cửa từ 2h chiều cho tới khoảng 11h đêm.

 

Đây là hàng ốc thập cẩm với các món chủ đạo là ốc đá, ốc mít luộc, xào dừa cay ngọt; ngao hấp, xào xả gừng.

 

 

Nguồn ảnh: Vzone

 

Ngoài ra các loại hoa quả dầm ăn kèm cũng được bà chủ chế biến khá ngon. Đặc biệt là món sung muối, ăn hơi chát chát nhưng đến cuống họng lại có vị ngọt rất dễ chịu. Ăn kèm với ốc rất hợp.

 

 

Nguồn ảnh: Vzone

 

Quán bé, lại động, cái bàn ngồi bé xíu nhưng nhét tới 4 người, phải rất khéo léo mới có thể cử động tay để ăn ốc. Ấy nhưng bạn đừng có dại mà kêu ca với chủ quán, vì chắc chắn sẽ nhận được ánh mắt khó chịu, tiếng thở dài và dọng lạnh tanh: "quán chật, các em chịu khó".

 

Ai mà gọi ít, ăn lâu, lập tức bị nhắc nhở nhanh nhanh còn về để nhường chỗ cho khách khác. Người ăn lần đầu không quen, thường thấy khá bực. Nhưng vì ốc ở đây khá ngon, nước chấm rất tuyệt với vị cay dịu của ớt, vị nóng đậm đà của gừng và xả. Do vậy, khách dù chẳng ưa gì bà chủ vẫn cứ đến quán nườm nượp.

 

Thông tin thêm:

 

Phở bò “xếp hàng”, 49 Bát Đàn có tái, chín, nạm: giá 20.000-25.000 đồng/tô, thêm trứng gà: 30.000 đồng/tô.

 

Bún chửi ngõ chợ Ngô Sĩ Liên: 20.000 đồng/bát

Cháo quát: 15 Lý Quốc Sư: 15000 đồng-20.000 đồng/bát

Ốc lắm mồm Nam Đồng: 10.000 bát ốc nhỏ, 15.000 bát ốc to.

 

(Nguồn tin: vietnamtourism)
Các tin khác:
Ăn cháo Ấu Tẩu - Đặ Sản Hà Giang
Mát lành bánh ngải người Tày
Chột nưa - Đặc sản đậm phong vị miền Trung
Lợn “cắp nách” đặc sản của Lai Châu
Văn hóa rượu cần dân tộc Thái (Sơn La)

Hôm nay


Description
Ngày mai


Liên kết website

Get backlinks - link building services where you can get link exchange free 100% to create backlinks for SEO
Lượt truy cập
Hôm nay: 915
Hôm qua: 2125
Tất cả: 1310352