Du lịch Hồ Thác Bà - Suối Giàng - Cánh đồng Tú Lệ - Mù Cang Chải( Yên Bái)


10:24 SA - 19/08/2013

YÊN BÁI - NGHĨA LỘ - TÚ LỆ - MÙ CANG CHẢI
Thời gian: 03 ngày 02 đêm, bằng ô tô và khởi hành Hàng Ngày

Mùa xuân đến với Mù Cang Chải, du khách sẽ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên của những rừng thông cao vút bạt ngàn, của sắc hồng hoa đào, của sắc trắng hoa ban, hoa mận…, được ngắm mây bay rập rờn trên đỉnh núi hay dưới thung lũng. Bên cạnh đó, hương rừng, trái rừng và những làn gió mát rượi của vùng đất này cũng khiến cho tâm hồn khách tham quan trở nên thư thái.

Giá dành cho 01 thành viên: 1.950.000Đ

Lưu ý: Giá áp dụng cho đoàn từ 14 khách trở lên & khởi hành Hàng Ngày

  Ngày

Chi tiết tour

Hình ảnh

Ngày 01

Hà nội - Mù Căng Chải                 Ăn: T/ C

06h00: Đón Đoàn khởi hành đi Mù Cang Chải theo quốc lộ 32. Dừng nghỉ và ăn trưa tại Yên Bái với gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc của người Thái.

Chiều: Tiếp tục hành trình tới Mù Căng Chải, dừng thư giãn tại thị trấn Nghĩa Lộ và ngắm cảnh, chụp ảnh tại đèo Khau Phạ - đèo dài nhất trên quốc lộ 32 với độ dài trên 32km và độ cao là 2100m. 

19h00: Đến thị trấn Mù Cang Chải. Đoàn nhận phòng và ăn tối tại khách sạn.

Tối: Tự do dạo bộ tham quan Mù Căng Chải về đêm. Nghỉ đêm tại khách sạn.

du-lịch-mù-căng-chải

Ngày 02

Mù Căng Chải - Nghĩa Lộ             Ăn: S/ T/ C

08h00: Đoàn trả phòng, đi thăm cánh đồng ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn, chiêm ngưỡng một thiên đường ruộng bậc thang với nắng vàng và biển lúa - Nơi được công nhận  là danh thắng quốc gia. Sau đó khởi hành về thị xã Nghĩa Lộ. Trên đường đoàn tiếp tục ngắm cảnh những thửa ruộng bậc thang trùng điệp trong mây ngàn ở Dế Xu Phình, Nậm Búng, Tú Lệ…

11h30: Đến Tú Lệ, đoàn nghỉ ngơi và dùng cơm trưa.

17h00: Đến thị trấn Nghĩa Lộ, nhận phòng khách sạn nghỉ ngơi. Tự do khám phá cánh đồng Mường Lò và ăn tối tại khách sạn.

20h00: Đoàn tham gia giao lưu đốt lửa trại, thưởng thức văn nghệ với những điệu múa xòe độc đáo của người Thái, và tham gia chương trình Game show (Phí tự túc). Nghỉ đêm tại Nghĩa Lộ.

mu-cang-chai

Ngày 03

Nghĩa Lộ - Suối Giàng - Hà Nội   Ăn: S/ T

08h00: Đoàn khởi hành thăm KST Suối Giàng - quê hương thủy tổ của loài chè với những cây chè có hàng trăm năm tuổi, thưởng thức chè Shan Tuyết ở Suối Giàng và mua về làm quà. Tự do chụp hình tại các đồi chè thơ mộng.

11h00: Đoàn ăn trưa và trà phòng khởi hành về Hà Nội. Dừng nghỉ tại Ba vì để quý khách nghỉ ngơi, thưởng thức và mua những đặc sản Sữa Ba Vì.

19h00: Về đến trung tâm Nội Thành. Chia tay đoàn, kết thúc chương trình.

mù-căng-chải

Dịch vụ tour bao gồm:

  • Xe du lịch đời mới thăm quan theo chương trình.

  • Khách sạn 2 sao tiêu chuẩn: 2 khách/ Phòng - Lẻ nam/ nữ ghép phòng 3 người.

  • Các bữa ăn tại nhà hàng và khách sạn.

  • Hướng dẫn viên tiếng Việt kinh nghiệm và vui vẻ suốt tuyến.

  • Vé thắng cảnh các điểm du lịch (Vé vào cửa 1 lần)

  • Bảo hiểm du lịch trọn tuyến mức 10.000.000Đ/khách

  • 01 chai nước/khách/ngày và quà tặng sau chuyến đi.

Dịch vụ tour không bao gồm:

  • Phụ phí phòng đơn: 400.000Đ/khách.

  • Tiền típ hướng dẫn và lái xe.

  • Chi phí cá nhân, đồ uống trong các bữa ăn, hóa đơn thuế VAT 10%.

Chi phí cho trẻ em:

  • Trẻ em từ 3-9 tuổi tính phí 75% người lớn. Trẻ em 10 tuổi trở lên tính như người lớn.

Lưu ý chương trình:

  • Chương trình có thể thay đổi thời gian và lịch trình, nhưng vẫn đảm bảo các điểm thăm quan.

  • Các phần dịch vụ không sử dụng đến mà không báo trước khi đăng ký sẽ không được hoàn lại.

  • Là chương trình du lịch thuần tuý, đoàn có nhu cầu kết hợp làm việc, đề nghị thông báo rõ khi làm đăng ký.

  • Đăng ký chương trình trước 15 ngày với khách lẻ và 20 ngày với khách đoàn.

  • Thêm thông tin và các yêu cầu khác, vui lòng liên hệ: 0904933568

ĐẸP MÊ HỒN MÙA VÀNG MÙ CĂNG CHẢI

Mù Cang Chải - Là một huyện vùng cao thuộc tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội khoảng 360km. Đây là nơi sinh sống của các dân tộc như Mông, Dao, Thái và người Kinh, trong đó người Mông chiếm hơn 90% dân số toàn huyện. Mù Cang Chải đang ở thời điểm đẹp nhất trong năm (từ giữa tháng 9 tới cuối tháng 10) với những ruộng bậc thang uốn lượn như những đợt sóng vàng.

 

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, ruộng bậc thang Mù Cang Chải được hình thành từ nhiều đời nay do tập quán canh tác của người Mông và do địa hình có độ dốc lớn, lại bị chia cắt mạnh nên rất khó trồng lúa theo phương thức nương rẫy. Vì thế, người dân ở đây đã chọn những quả đồi thấp, có diện tích rộng và độ dốc vừa phải, đồng thời tận dụng nguồn nước suối từ trên núi tràn xuống ruộng để khai khẩn ruộng bậc thang. Việc canh tác lúa nước của người Mông trên những thửa ruộng bậc thang đã trở thành nét văn hóa độc đáo ở Mù Cang Chải.

mù-căng-chải

Đến Mù Cang Chải mùa này ai ai cũng sững sờ trước cảnh quan thiên nhiên đa đầy chất thơ của vùng núi tây bắc, nơi nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang được xếp hạng Danh thắng quốc gia

 

Dọc theo quốc lộ từ Tú Lệ, Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những thung lũng rộng hút tầm mắt, thửa ruộng tầng tầng lớp lớp lượn sóng theo sườn núi, ngọn núi này nối tiếp ngọn núi khác. Thời điểm này ở Mù Cang Chải lúa đang chín vàng trĩu hạt, vàng rượi trên ruộng. Trong nắng thu vàng, Mù Cang Chải trở nên quyến rũ hơn bởi những thửa ruộng lúa bậc thang hệt như một tấm thảm đa màu với gam vàng là chủ đạo phối hợp với nhau một cách hài hòa và độc đáo: chỗ này vàng xanh, nơi kia vàng nhạt, góc kia ngả vàng ruộm xen lẫn màu nâu của đất lộ ra sau khi gặt... Lác đác trên những thửa ruộng bậc thang là những ngôi nhà nhỏ hoặc những chòi canh lúa của người dân. Xa xa dưới thung lũng thấp thoáng bóng người đang lom khom gặt lúa. Đôi nơi, những chú trâu tròn căng thủng thẳng đứng gặm cỏ. Trên thửa ruộng đã gặt có những em nhỏ chạy nhảy, vui đùa. Trên đỉnh núi cao mây vẫn lơ lửng trôi, dưới chân núi là những dòng suối uốn lượn. Tất cả tạo nên một bức tranh đồng quê đẹp giản dị, và thật hiền hòa.

 mù-căng-chải

Mù Cang Chải cũng có 2 vụ lúa thu hoạch vào tháng 4-5 và tháng 9-10. Nhưng do phải phụ thuộc vào nguồn nước nên tháng 9- 10 mới là vụ chính. Vụ tháng 10, sản lượng không thua kém những cánh đồng 10 tấn ở dưới xuôi. Vụ xuân người dân tập trung trồng lúa ở những ruộng thấp, còn những ruộng bậc trên đồi cao thường bỏ không vì không đủ nước tưới cho lúa. Vụ này năng suất lúa cũng rất thấp. Thời gian còn lại trong năm, người dân chủ yếu trồng ngô để lấy thức ăn cho gia súc hoặc làm mèn mén thay cơm.

 

Mù Cang Chải có khoảng 700ha ruộng bậc thang, trong đó gần ½ tập trung ở 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình. Ruộng bậc thang không chỉ cho năng suất cao và ổn định, góp phần cải thiện đời sống dân cư, góp phần hạn chế việc chặt phá rừng làm nương rẫy mà còn làm nên danh thắng kỳ vĩ. Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia. Cho đến nay đồng bào nơi đây vẫn còn gìn giữ và bảo tồn các tập tục, các nghi thức cũng như tín ngưỡng trong việc khai khẩn và canh tác ruộng bậc thang.

mù-căng-chải

Các thửa ruộng bậc thang ở ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình đang là điểm du lịch thu hút đông đảo nhiều du khách trong và ngoài nước tới thăm quan, thưởng ngoạn, những người nghiên cứu, đặc biệt là dân phượt săn ảnh. Thời điểm lý tưởng nhất để tham quan ruộng bậc thang là vào mùa cấy lúa (tháng 5), mùa lúa non (tháng 6 - 7) và đẹp nhất là vào mùa lúa chín (tháng 9 - 10). Nhiều người đã tới Mù Cang Chải nhiều lần nhưng vẫn muốn được quay lại nơi này.

 

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải hấp dẫn du khách

Cứ ngỡ như thiên nhiên-tạo hóa hình thành nên, sắp đặt những tầng nấc chân ruộng, thế nhưng không phải vậy, ruộng bậc thang - kiệt tác hiếm có trong nền văn minh lúa nước Việt Nam lại do đồng bào dân tộc sáng tạo ra để thích ứng với điều kiện đất đai, khí hậu và thủy lợi ở vùng núi, trung du.

 

Kiệt tác của bàn tay lao động: Lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải gắn liền với lịch sử cư trú của tộc người Mông - tác giả của những thửa ruộng bậc thang, chủ nhân cư trú đầu tiên tại vùng đất này.

 ruộng-bậc-thang-mù-căng-chải

Ruộng bậc thang là một phương thức canh tác nông nghiệp kết hợp nhuần nhuyễn giữa canh tác nương rẫy và ruộng nước. Khai khẩn ruộng bậc thang là một quá trình công phu, tốn nhiều công sức. Theo kinh nghiệm của đồng bào, đó là nơi có độ dốc vừa phải, có nguồn nước, có khả năng tạo mặt bằng, ít sỏi đá, cây to, cỏ mọc dày và tốt là vùng đất thích hợp để khai khẩn.

 

Sau khi đã lựa chọn được mảnh đất ưng ý, việc tiếp theo là xác lập quyền khai khẩn. Đồng bào có thể chồng các cột đá cao khoảng 1m, hoặc chặt ngọn một số cây gỗ lớn trên mảng đất đó làm dấu hiệu xác lập quyền khai khẩn. Khi đã huy động được lực lượng và điều kiện thời tiết thuận lợi, việc khai khẩn được tiến hành. Việc này thường được tiến hành vào mùa xuân (khoảng tháng 1, 2, 3 ) để có thể tháo nước vào sử dụng ngay trong tháng 4, 5 cho kịp thời vụ.

 

Để làm ruộng, trước hết phải phát cỏ và các loại cây nhỏ, dọn sạch mặt đất, sau đó dùng cuốc đánh các gốc to rồi tiến hành đào và san. Khó khăn nhất là tạo mặt bằng cho ruộng. Mặt bằng ruộng có liên quan đến việc giữ nước và chia đều nước cho toàn ruộng. Việc đào và san ruộng là khâu kỹ thuật đòi hỏi các kỹ năng trong việc khai khẩn ruộng bậc thang.

 ruộng-bậc-thang-mù-căng-chải

Ruộng đạt tiêu chuẩn phải đủ 2 tiêu chí cơ bản là mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân cho lúa. Người Mông nơi đây đã làm được điều này trong điều kiện hết sức khó khăn để đảm bảo cho việc canh tác lúa nước trên sườn đồi và chân các quả đồi.

 

Việc tiếp theo là làm bờ ruộng. Trong hệ thống ruộng bậc thang, bờ ruộng là yếu tố quan trọng đóng vai trò là “bức tường” giữ nước. Bờ ruộng được tiến hành làm ngay từ khi san ruộng, đất làm bờ lấy ngay từ chỗ san gạt ở phía mép cuối của mặt bằng thửa ruộng. Người ta thường dùng cuốc bướm cào đất thành bờ, dùng chân dẫm và gáy cuốc đập mạnh vào để nén chặt bờ ruộng. Độ chênh lệch giữa thửa ruộng trên và thửa dưới thường là 1- 1,5 m. Khi có nước tháo vào ruộng, bờ sẽ cứng lại.

 ruộng-bậc-thang-mù-căng-chải

Công việc khai khẩn được nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật hoành tráng treo trên các sườn đồi. Đây là nét độc đáo của loại hình canh tác mang đậm sắc thái của cư dân vùng cao khu vực Đông Nam Á.

 

Điểm đến hấp dẫn du khách: Những năm gần đây, địa danh Mù Cang Chải đã trở nên gần gũi và nổi tiếng hơn với khách du lịch trong và ngoài nước. Cả huyện Mù Cang Chải có 2.200 ha ruộng bậc thang, trong đó 500 ha ruộng bậc thang của ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong những danh thắng độc đáo vào bậc nhất của Việt Nam và được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia vào ngày 18/10/2007. Đến với Mù Cang Chải dù chỉ một lần du khách cũng cảm nhận được sự giàu có của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp của tình người.

mù-căng-chải

Đường lên Mù Cang Chải tuy xa và khó khăn, song lại rất thú vị, quang cảnh thay đổi liên tục trên đường, du khách chưa kịp ngắm hết những ngôi nhà sàn Thái trên cánh đồng Mường Lò rộng lớn với bạt ngàn hoa ban, đã được đến với những con đường quanh co, uốn lượn trên các sườn đồi dốc đứng. Qua đèo Khau Phạ mờ trong sương trắng là tới đất Mù Cang Chải. Từ đây, cứ từ đèo này qua đèo khác, núi này qua núi khác, du khách sẽ cảm nhận rõ nét sự thay đổi của độ cao, hai bên đường là những triền ruộng bậc thang hiện lên hoành tráng giữa bạt ngàn núi rừng Tây Bắc.

 

Dừng chân tại Mù Cang Chải, đâu đâu cũng thấy những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các quả đồi. Do địa hình nơi này là núi cao, vực sâu, cắt xẻ nhiều nên mỗi “mâm xôi” đều được xen giữa các khe nước lớn nhỏ, trập trùng là những rừng thông bạt ngàn. Cứ thế: ruộng, rừng, khe, suối... tầng tầng, lớp lớp xếp lên nhau. Càng lên cao, du khách càng thấy thú vị bởi sự kỳ vĩ, hoành tráng của núi rừng, bởi sự trong lành của khí hậu nơi đây và bởi sự khéo léo của người dân nơi đây.

mù-căng-chải

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải càng đẹp hơn, quyến rũ hơn vào mùa lúa chín, lúc mà hương sắc của “biển vàng” này cứ cuồn cuộn tỏa hương khắp núi rừng xứ Mù Cang. Những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp như những nấc thang khổng lồ bắc lên trời, tựa những mâm xôi vàng.

 

Nhằm quảng bá hình ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đã tổ chức các tuần văn hóa, thể thao du lịch thường niên với nhiều hoạt động như lễ mừng cơm mới của người Mông tại xã La Pán Tẩn; triển lãm ảnh về ruộng bậc thang; phiên chợ vùng cao-ẩm thực và trình diễn các hoạt động văn hóa dân gian (múa khèn, hát giao duyên)... từ đó phát triển du lịch, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân huyện vùng cao nơi đây./.

Các tin khác:
Tour Du Lịch Miền Bắc: Hà Nội - Điện Biên Phủ 02 ngày
Tour Du Lịch Miền Bắc: Hà Nội - Sơn La - Mường Phăng - Điện Biên - Sa Pa - Lao Cai - Hà Khẩu - Việt Trì - Đền Hùng - Hà Nội
Hà Nội - Cao Nguyên Mộc Châu - Hà Nội (02 ngày)
Hà Nội - Sơn La - Điện Biên Phủ - Hà Nội (Thời gian: 4 ngày/3 đêm - khởi hành bằng ôtô)

Hôm nay


Description
Ngày mai


Lượt truy cập
Hôm nay: 297
Hôm qua: 855
Tất cả: 2137257