Chào Guest ! [Đăng nhập] [Đăng ký]
Tìm kiếm

Tour Miền Nam: Sài Gòn - Cà Mau - Hòn Khoai - Đất Mũi Cà Mau


6:09 CH - 21/04/2012

SÀI GÒN - CÀ MAU - HÒN KHOAI - ĐẤT MŨI

Thời gian: 04 ngày, bằng đường bộ & khởi hành Hàng Ngày

Đất mũi Cà Mau - cực Nam của Tổ quốc là vùng đất được khai phá vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 gắn liền với cuộc sống quần tụ của ba dân tộc: Việt, Hoa, Khmer. Do vậy mà có sự giao thoa những nét sinh hoạt văn hoá đa sắc tộc thể hiện qua nhiều phong tục, tập quán phong phú và đặc sắc. Với một vùng đất phù sa mầu mỡ có những khu rừng ngập nước quanh năm; dưới tán rừng có nhiều loài chim, thú, thủy sản sinh sống đã tạo cho Cà Mau một cảnh quan đặc sắc mang nét riêng của vùng đất trẻ đầy hoang sơ, mới lạ. Với chương trình này còn là dịp để Quý khách đến với những ngôi chùa Khơ Me, tìm hiểu về cộng đồng người Khơ Me Nam Bộ, cùng thưởng thức những món ăn dân dã miệt vườn của vùng sông nước Cửu Long.

Giá trọn gói dành cho 01 thành viên:  3.925.000Đ

Lưu ý: Giá áp dụng cho khách lẻ & khởi hành hành ngày !

  Ngày

Chi tiết tour

Hình ảnh

Ngày 01

Ngày 01: TP .HCM - Cà Mau     Ăn: T/ C

Sáng: Đón quý khách tại điểm hẹn, khởi hành đi Trung Lương theo đường quốc lộ 1A, qua cầu Treo Mỹ Thuận, đến Vĩnh Long qua phà Cần Thơ. Dùng cơm trưa trên tàu du lịch Hậu Giang (hoặc Nhà hàng Miền Tây). Tiếp tục đi Sóc Trăng, tham quan chùa Dơi.

17h45: Đến Cà Mau, nhận phòng khách sạn. Nghỉ đêm tại Cà Mau.

Ngày 02

Ngày 02: Du lịch Hòn Khoai    Ăn: S/ T/ C

06h00: Đón quý khách ra bến tàu khởi hành đi Hòn Khoai, điểm tâm sáng tại TT Năm Căn.

09h30: Đến Cửa Khai Long, thay đổi phương tiện Tàu biên phòng đi Hòn Khoai. Ăn trưa tại Hòn Khoai.

Chiều: Quý khách leo núi tham quan cảnh Hòn Khoai, chinh phục ngọn Hải Đăng thời Pháp thuộc - di tích lịch sử khởi nghĩa Hòn Khoai, tắm biển Bãi Trước - Sinh hoạt giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ Bộ Đội Biên Phòng.

15h00: Khởi hành về đất liền vườn quốc gia Mũi Cà Mau - Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhận phòng và ăn tối.

Tối: Tự do dạo bộ tham quan và vui chơi tại vườn Quốc Gia. Nghỉ đêm tại khách sạn.

Ngày 03

Ngày 02: Đất Mũi - Cà Mau     Ăn: S/ T/ C

07h30: Làm thủ tục trả phòng, lên xe đi khu du lịch mũi Cà Mau.

09h30: Tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Mốc tọa độ Quốc gia, Panô biểu tượng Mũi Cà Mau, nơi hàng năm được phù sa bồi lấn 80 -100 m, Lên Vọng Hải Đài cao 20,5 mét ngắm nhìn toàn cảnh Mũi Cà Mau… Tham quan Hệ sinh thái rừng ngập mặn.

11h30: Dùng cơm trưa tại nhà hàng Thủy Tạ, thưởng thức các món ăn thủy hải sản đặt trưng nơi tận cùng Tổ Quốc. Đặt biệt, du khách còn được giao lưu đàn ca tài tử Nam bộ.

13h00: Trở ra bến tàu về lại Tp. Cà Mau.

15h30: Về đến thành phố Cà Mau, nhận phòng và nghỉ ngơi. Sau đó tự do tham quan và mua sắm đồ lưu niệm tại chợ trung tâm Cà Mau. Ăn tối và nghỉ đêm tại khách sạn.

Ngày 04

Ngày 04: Cà Mau - TP. HCM    Ăn: T/ C

Sau bữa sáng tại khách sạn, quý khách làm thủ tục trả phòng. 08h30, lên xe rời Cà Mau về TP. Hồ Chí Minh. Dừng nghỉ ăn trưa trên đường.

19h00: Về tới nội thành, chia tay quý khách. Kết thúc chương trình, hẹn gặp quý khách trong chuyến đi tới.

Dịch vụ bao gồm:

  • Vận chuyển xe máy lạnh đưa đón tham quan theo chương trình.

  • Các bữa ăn trong tour (07 bữa chính & 03 bữa phụ)

  • Khách sạn 2 sao tiêu chuẩn: 02 khách/phòng, tivi, điều hòa, bình nóng lạnh.

  • Vé tham quan và tàu thuyền

  • Hướng dẫn viên theo chương trình..

  • Bảo hiểm du lịch theo tiêu chuẩn khách Việt Nam

  • Mũ, nước tinh khiết, khăn lạnh.

  • Bảo hiểm du lịch (Mức 10.000.000Đ/khách/Hành trình)

Dịch vụ không bao gồm: Các bữa ăn và đồ uống ngoài chương trình, phòng ngủ đơn (1.305.000Đ), giặt ủi, điện thoại và các chi phí cá nhân khác.

Lưu ý:

  • Trẻ em từ 10 tuổi trở lên mua 01 vé; Trẻ em từ 04 - 9 tuổi mua 75% giá vé người lớn.

  • 02 người lớn chỉ được kèm 01 trẻ em từ 03 tuổi trở xuống, nếu trẻ em đi kèm nhiều hơn thì từ em thứ 02 trở lên phải mua ½ vé.

CÀ MAU - LẤP LÁNH CỰC NAM TỔ QUỐC

"Tổ quốc tôi như một con tàu

Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau"

Đã là người Việt Nam, hẳn ai cũng một lần ao ước được đi "từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Mống Cái" để thấy rằng quê hương mình "liền một dãy xanh xanh". Về mũi Cà Mau, nơi được nhà thơ Xuân Diệu ví như Mũi tàu Tổ quốc vươn mình giữa sóng biển bao la. Một lần về thăm mũi Cà Mau để thấy bạt ngàn rừng đước, vun vút rừng tràm, hàng năm phù sa vẫn âm thầm lắng tụ mở rộng vùng đất cuối trời hàng trăm mét và để một lần được nghe câu hát " Anh đến quê em đất Mũi Cà Mau, có thấy bao la cánh đồng muối trắng. Miền quê hương em cá bạc tôm vàng, miền quê hương em đất cũng sinh sôi. Ở xa anh mong đến được quê mình, càng thêm yêu đấu quê chúng ta Cà Mau ..."

Diện tích       : 5.331,7 km²

Dân số         : 1.232 nghìn người (năm 2006)

Tỉnh lỵ          : Thành phố Cà Mau

Các huyện   : Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Cái Nước, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình, Năm Căn, Phú Tân.

Dân tộc        : Việt (Kinh), Hoa, Khmer, Tày

  

Đất Mũi thân yêu - Cà Mau

Là người Việt Nam có lẽ ai cũng có cảm giác bồi hồi khi nghe nhắc đến địa danh Cà Mau. Vùng đất tận cùng ấy của Tổ quốc mang trong mình tính cách hào phóng, rộng rãi đến đáng yêu. Cuộc sống nơi đây gắn bó rất mật thiết với thiên nhiên. Ba mặt giáp biển. Cà Mau có những đảo xanh lý tưởng để phát triển du lịch biển. Bảy dòng sông lớn chảy ngang qua Đất Mũi tạo nên mạng lưới sông ngòi phong phú, khiến nếp sống của người dân nơi đây gắn liền với những con sông, dòng kênh.

Ngay trong những rừng đước, rừng tràm bao la, người dân vẫn có thể len lỏi trên sông nước bằng những thuyền ghe nhỏ đặc trưng. Không chỉ có sông, biển mênh mông, Cà Mau còn có rừng vàng bao la với quần thể động thực vật phong phú. Nhiều vườn chim rộng lớn như Ngọc Hiển, Lâm Viên vẫn còn giữ nguyên thảm thực vật xanh tươi và nhiều loài chim quý hiếm. Cà Mau còn nổi tiếng nhờ địa danh rừng Sác đã đi vào lịch sử oai hùng của quân dân miền Nam và rừng U Minh hùng vĩ với giống tràm bạt ngàn.

 

Người ta vẫn thường nhắc đến Cà Mau với rừng nhiều muỗi và đất lắm phèn. Nhưng ngươi bản xứ coi đây điều đơn giản và sống chung với chúng từ bao thế kỷ qua. Còn du khách nước ngoài lại coi đó là một điều phi thường và lạ lẫm. Họ cũng rất khoái chí với một buổi tối ngồi chung cùng người dân Đất Mũi uống rượu đế, nhắm gỏi xoài trộn cá khô, đắm mình trong điệu ca tài tử, giữa không gian ngai ngái hương bùn lẫn mùi vị cỏ cây mới nhổ sau nhà....Con gái Cà Mau có nét duyên thầm mặn mòi miền sông nước, con trai khi trưởng thành đã biết vững tay lái trước mũi thuyền. Du lịch Cà Mau dẫu không có những hình ảnh sặc sỡ với các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp nhưng vẫn mang một sức hút mãnh liệt với du khách. Bản thân Đất Mũi, hàng năm vẫn không ngừng vươn mình ra phía biển thêm khoảng 200m. Sau 3 tiếng đồng hồ lướt trên sông, giữa đôi bờ bất tận một màu xanh của rừng tràm, đước, tàu ca nô sẽ đưa ta vượt 100km từ thị xã Cà Mau ra tận cột mốc số không ở Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển). Ở đó có một lá cờ đỏ tươi của Tổ quốc được cắm trang trọng. Và cứ một năm lá cờ này lại được nhích ra biển thêm vài trăm mét. Anh Hữu Thấy, một hướng dẫn viên trẻ thường đưa đoàn tour đi chặng Năm Căn- Mũi Cà Mau bày tỏ: "Tôi vẫn chưa bao giờ nguôi được cảm xúc bồi hồi khó tả khi đến cột mốc cuối cùng này. Tuy đơn sơ nhưng nó ẩn chứa một tinh thần lớn lao..."

 

Tràm, đước là linh hồn của Đất Mũi. Thiếu hương tràm nồng ấm, cuộc sống nơi đây như mất đi hương sắc riêng. Còn giống đước với bản năng sinh tồn và bộ rễ đặc trưng cắm chặt trong lòng đất mẹ đã góp công đầu trong việc đưa vùng đất cực Nam này vươn mình ra với biển. Người Cà Mau luôn nhắc con cháu mình về điều kỳ diệu này của thiên nhiên.

 

Đất mũi Cà Mau - Ấn tượng nét đẹp văn hóa cộng đồng 

Nếu ai đó đã từng sinh ra và lớn lên ở vùng đất tận cùng chót mũi Cà Mau mới cảm nhận đầy đủ nhiều nét đẹp đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Điểm nổi bật trong nét đẹp văn hóa của người dân sống trong vùng nông thôn đất mũi Cà Mau là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, cũng như chia sẻ khi có niềm vui. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc tang, việc cưới. Ở các miền quê, một gia đình tổ chức đám cưới thì xóm cùng lo, cùng chung hưởng. Trong đám tang lễ cũng như vậy, trong làng, trong xóm có người từ trần thì tất cả cùng chia sẻ, giúp gia đình gánh vác những chuyện nặng nhọc. Thật là một nếp sinh hoạt giàu tính nhân văn.

Một hình thức vui chơi phổ biến nhất ở vùng nông thôn Cà Mau là đàn ca tài tử. Để cho những "món ăn tinh thần" luôn tồn tại, chính quyền địa phương đã thành lập tổ, nhóm đàn ca tài tử, tập hợp những người có khả năng văn nghệ, không phân biệt tuổi tác, cứ mỗi lần xóm làng có sự kiện vui thì tổ đàn ca tài tử có trách nhiệm phục vụ "cho đồng bào tôi nghe". Tỉnh Cà Mau có hơn 200 tổ, đội đàn ca tài tử với hàng ngàn thành viên tham gia.

 

Cuộc sống của người dân miền biển có những nét riêng so với sinh hoạt của người nông dân. Có dịp về tận Đất Mũi mới chứng kiến được những ngôi nhà sàn, lợp tôn hoặc lá nhưng bằng gỗ đước địa phương rất độc đáo. Trong nhà không cần bàn ghế, giường ngủ, mọi sinh hoạt đều trên sàn nhà. Đặc điểm của người dân miền biển là phóng túng, hiếu khách. Đa số người dân miền biển đều có tửu lượng rất mạnh, ngay cả người phụ nữ bình thường họ cũng có thể uống rượu. Mỗi dịp có khách, họ thường dùng những thức ăn như tôm, cua, mực để đãi khách. Ngồi trong ngôi nhà sàn lộng gió, uống rượu đế với đặc sản miền biển không có thú nào bằng.

Giống như nông dân, người dân miền biển có tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn. Trong vụ tai nạn chìm tàu chiều 30/4 ở Hòn Khoai vừa qua, ngay sau khi nhận được tin, có hàng chục chiếc tàu lướt biển, bất chấp nguy hiểm cứu người mà không cần chính quyền địa phương yêu cầu. Nhờ những tấm lòng ấy mà có rất nhiều người thoát chết...

 

Nhờ chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, nhờ kinh tế phát triển nên cuộc sống của người dân miền biển cũng có nhiều khởi sắc. Đối với người dân vùng biển "tàu là nhà, biển cả là kho báu". Với nền kinh tế thị trường, đất nước hội nhập và mở rộng giao lưu, người dân Đất Mũi Cà Mau cũng như người dân nhiều vùng khác cũng được hưởng thụ văn hóa văn minh tiến bộ, mở mang kiến thức, phóng khoáng trong tầm nhìn. Văn hóa tiên tiến của nước ngoài dễ hòa nhập với văn hóa dân tộc, tạo thành nét đẹp chung. Để cho văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa cộng đồng được bảo tồn, gìn giữ và không ngừng phát triển, tỉnh Cà Mau có kế hoạch bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khuyến khích các loại hình sinh hoạt văn hóa nông thôn phát triển có sự tham gia, gắn kết giữa chính quyền địa phương với nhân dân; gắn các hoạt động văn hóa cộng đồng với thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa mới, đồng thời mạnh tay trừ khử những loại văn hóa độc hại đang len lỏi vào nông thôn.

 

Đặc sản đất mũi Cà Mau

Nằm ở cực nam Tổ quốc, đất Mũi Cà Mau trải dài từ cửa sông Gành Hào ở biển Đông cho đến tận rạch Tiểu Dừa - Cái Tàu trên vịnh Thái Lan, một dải bờ biển tiếp nối biết bao cửa sông, cửa rạch có vô số đầm lầy và rừng ngập mặn. Nằm sâu trong đất liền là vùng Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước, U Minh với những cánh rừng chà là, tràm, dừa nước bạt ngàn và vô số kênh mương chằng chịt là nơi sinh sống và phát triển thuận lợi cho các loài thủy sản như tôm cá, cua còng cũng như rùa rắn và chim muông.

 

Xưa nay, hễ nói đến đất Mũi là nói đến những món ăn lạ lẫm của thời khai hoang, hơn nữa, Cà Mau chính là vựa tôm, cá nước ngọt lớn nhất ở nước ta. Ở đây làm chơi ăn thật và những bữa nhậu tuy đơn sơ, dân dã nhưng no nê khoái khẩu. Ngoài tôm cá ra, ở Cà Mau còn có những món "độc đáo" và có lẽ chỉ ở đất Mũi mới có.

Nhờ có rừng chà là nên đã sản sinh ra những con đuông to béo. Con đuông chính là con sâu nằm ở đọt cây chà là. Dừa cũng có đuông nhưng thịt ăn không thơm ngon bằng đuông ở chà là. Đuông chà là mềm mại và thơm ngào ngạt. Người ta chặt những ngọn chà là rồi chẻ ra để bắt đuông. Đuông cho vào thạp ngâm nước muối để cho nó nhả ra hết chất nhớt trước khi đem nướng. Nướng đuông trên lò than cũng như nướng sườn heo.

 

Muốn thưởng thức hương vị con đuông phải chấm với nước mắm nguyên chất, không pha giấm hay chanh tươi, tương ớt chi cả. Chỉ cần nhâm nhi vài cọng rau thơm khề khà cùng ly rượu đế cũng quá "đã" lắm rồi!

 

Một món ăn ngon khác không kém phần hấp dẫn, đó là món ba khía muối. Ba khía là giống cua nhỏ con sống nhiều ở các cửa sông, con rạch có nhiều cây mắm mọc. Ba khía nhiều và ngon nhất là ở Rạch Gốc, vì ba khía ở đây ăn toàn trái mắm nên thịt thơm tho và chắc nịch. Đến mùa ba khía, người ta bắt đem về rửa cho sạch hết bùn, để ráo nước rồi cho vào lu, vào thạp để muối. Khoảng chừng tuần lễ là ăn được. Khi ăn, thực khách bẻ hết ngoe, lật cái mai, thêm chút chanh tươi, ớt chín và kèm tỏi sống. Thịt ba khía ngọt, gạch ba khía béo.

Người ta ăn ba khía muối với cơm gạo trắng, gặp trời sa mưa, ăn mãi quên no. Cà Mau cũng là quê hương của rùa. Rùa cũng có nhiều loại như rùa vàng, rùa quạ, rùa nấp. Rùa quạ có mai và yếm đều đen. Rùa nấp thì yếm không bằng phẳng, ghép lại bằng hai miếng xương cong lên. Hai loại rùa này nhỏ con, thịt vừa dai vừa hôi cỏ, ăn không ngon. Chỉ có loại rùa vàng là quý, chẳng những lớn con mà thịt lại mềm mại, thơm tho. Vào mùa nước nổi, người ta dùng lờ, đặt lọp hoặc xây nò bắt rùa như bắt cá vậy. Ăn thịt rùa cũng có nhiều cách, tiện hơn hết là luộc rồi đem xé phay chấm ăn với muối tiêu. Nếu "ram" thì ngon hơn. Sau khi thịt xong, cứ để nguyên con rùa vào chiếc nồi đất, cho vào nắm muối hạt, kê lên lò than hồng, đậy kín nắp, độ nửa giờ là rùa chín. Lôi rùa ra ngoài, lấy con dao đập vỡ hai bên yếm, gỡ yếm ra, cạy lấy thịt. Thịt rùa "ram " rất mềm và ngon lắm. Thịt rùa còn đem nấu ca ri hay xào lăn với bạc hà cũng là món khoái khẩu. Cần đước to hơn rùa, có khi cân nặng đến 5- 6 kg, cách làm cũng giống như rùa nhưng thịt không ngon bằng..

 

Vùng đầm lầy Cà Mau cũng là nơi lý tưởng để giống lươn sinh sống và phát triển. Vào mùa nông nhàn, nhà nông thường dùng ống trúm để bắt lươn. Nhiều lúc lươn nhiều quá phải chở lên thành phố bán cho các nhà hàng. Thịt lươn xào lăn sả ớt ăn kèm với bánh tráng nướng hay nấu canh với măng vừa mát vừa bổ. Nếu làm món lươn um nhâm nhi với rượu đế thì tuyệt.

 

Còn muốn ăn ong uống mật thì đến vùng rừng tràm U Minh, Thới Bình. Vào mùa ăn ong, khách đến thăm nhà thế nào cũng được gia chủ thết đãi một chầu ong non chấm mật. Có lẽ đây là món ăn thú vị nhất và chỉ ở rừng U Minh mới có. Chiếc tổ ong to tướng gọi là "mứt" sau khi đã lấy hết mật, khách cứ tha hồ cắt lấy từng miếng như cắt bánh ga tô chấm vào tô mật ong sóng sánh vàng, ăn thế này thật lạ miệng nhưng thế nào khách cũng dễ bị say lăn quay mà quên hẳn lối về…

Các tin khác:
Tour Miền Tây: MỸ THO - BẾN TRE - CẦN THƠ - 02 NGÀY
CHỢ NỔI CÁI BÈ - VĨNH LONG
THAM QUAN MỸ THO & BẾN TRE
Hà Nội - Cần Thơ - Châu Đốc - Hòn Chông - Hà Tiên - Hà Nội(04 ngày 03 đêm)


© 2008-2010 Công Ty Cổ Phần Công Nghệ DKT
Địa chỉ: P.905 - Tòa nhà cao tầng Trung Yên 1 - Trung Kính - Cầu Giấy - Hà Nội
 Điện thoại : 04.6655 8868 - Fax: 04.3786 8904 - Website: www.dkt.com.vn